“Người làm cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang"[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò quan trọng của phẩm chất đạo đức đối với người làm cách mạng, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên được giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, để trong bắt cứ hoàn cảnh nào cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, quyết tâm suốt đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng; vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân; thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng, nêu cao tinh thần cách mạng; gương mẫu trong lối sống, sinh hoạt, lời nói đi đôi với làm, gặp việc khó không nản chí, đầu tàu làm trước để quần chúng noi theo, làm theo.
Nội dung chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới[2]
Hình: Chủ tịch Hồ Chí Minh
Điều 1. Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc
Tiêu chí đánh giá:
- Về yêu nước: Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
- Về tôn trọng Nhân dân: Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh.
- Về tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc: Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân.
Điều 2. Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập
Hình: Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tiêu chí đánh giá:
- Về bản lĩnh: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực hiện nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.
- Về đổi mới: Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Về sáng tạo: Xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân.
- Về sáng tạo: Xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân.
- Về hội nhập: Chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng; năng lực công tác, làm việc trong môi trường quốc tế. Tích cực tham gia quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo đường lối đối ngoại của Đảng phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng cộng đồng vì hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển.
Điều 3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
Tiêu chí đánh giá:
- Về cần: Tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
- Về kiệm: Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân.
- Về liêm: Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hoá" trong nội bộ.
- Về chính: Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.
- Về chí công vô tư: Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để bị tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.
Điều 4. Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm
Hình: Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tiêu chí đánh giá:
- Về đoàn kết: Luôn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ quan, tổ chức và trong Nhân dân, trước hết là ở chi bộ, cơ quan, đơn vị công tác, khu dân cư; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện. - Về kỷ cương: Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương, nhất là kỷ luật phát ngôn. Nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị; phục tùng sự phân công của Đảng, của tổ chức.
- Về tình thương: Sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ.
- Về trách nhiệm: Nêu cao trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt; sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy, hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm. Làm tốt trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ đối với gia đình, cộng đồng, xã hội.
Điều 5. Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời
Tiêu chí đánh giá:
- Về gương mẫu: Gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, 5 cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng. Tích cực vận động, thuyết phục gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Về khiêm tốn: Cầu thị, giản dị.
- Về tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời: Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác. Nói đi đôivới làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm.
Chuẩn mực đạo đức cách mạng là những nguyên tắc, quy tắc mang tính mực thước, khuôn mẫu đánh giá, điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên, gắn với mục tiêu, lý tưởng cộng sản, mang nhiệm vụ chính trị của Đảng, tạo cơ sở để cán bộ, đảng viên tự giác học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Tiêu chí đánh giá việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng là căn cứ để xác định mức độ thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên./.
[1] Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong tác phẩm bàn về “Đạo đức cách mạng", viết vào tháng 12-1958
[2] Hướng dẫn số 144-HD/BTGTU ngày 17/7/2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới