Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh luôn nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của các cấp Hội trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh qua việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người, Chương trình số 07/CTr-BCA-MTTW ngày 17/10/2023 giữa Bộ Công an với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Mỗi năm, các cấp Hội tổ chức trung bình hơn 7.500 cuộc tuyên truyền với 550.000 lượt chị dự, tham gia viết hơn 120 tin, bài tuyên truyền; phối hợp tổ chức trên 30 lớp tập huấn phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tham gia vận động người thân trong gia đình, người cùng sống chung khu phố, xóm, ấp quản lý, giáo dục và cảm hóa trung bình trên 110 đối tượng (17 nữ); tổ chức giao lưu và nói chuyện chuyên đề, tặng quà cho phạm nhân nữ tại Phân trại số 5 Trại giam Xuân Lộc, Trại tạm giam (B5) Công an tỉnh; thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, hỗ trợ vốn để chị em phát triển kinh tế gia đình, xây dựng Mái ấm tình thương, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các chị có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, động viên chị em thực hiện các mô hình tiết kiệm để giúp đỡ nhau và trao học bổng cho những em có hoàn cảnh khó khăn để các em được tiếp tục đến trường để các em không lang thang, bỏ học dễ rơi vào sự lợi dụng, dụ dỗ sa chân vào con đường phạm tội và tệ nạn xã hội. Thực hiện Cuộc vận động “gia đình 5 không, 3 sạch”, “gia đình 5 có, 3 sạch”, trong nửa nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2024, 100% cơ sở có hoạt động hỗ trợ, giúp thêm 2.120 hộ gia đình đạt các tiêu chí của Cuộc vận động. Trong đó, đã giúp 603 hộ có phụ nữ thoát nghèo/cận nghèo theo tiêu chí đa chiều. Có 467 công trình, phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được thực hiện với tổng kinh phí vận động đóng góp 21.681.233.000 đồng; tham gia vào quá trình quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đóng góp ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương, tham gia giám sát, thực hiện chỉ tiêu của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thường xuyên nắm bắt, phát hiện, phản ánh với các cơ quan chức năng về các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em; kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện.
Lớp tập huấn nâng cao kiến thức phòng, chống tội phạm năm 2024
Tọa đàm khoa học Đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Hội viên phụ nữ khó khăn được trao mô hình sinh kế tại huyện Cẩm Mỹ
Bên cạnh những kết quả đạt được thì hiệu quả tuyên truyền, giáo dục vẫn còn hạn chế ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ ở các khu vực này là đối tượng dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa đảo bán dâm, mua bán ma túy; nhiều vụ việc mua bán ma túy, mại dâm là người chưa thành niên gây phức tạp về trật tự, xã hội. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong thời gian tới các cấp Hội sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phụ nữ, quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, biết cách phòng ngừa, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nâng cao cảnh giác, chủ động phát hiện và giúp đỡ cơ quan chức năng để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Phụ nữ với vai trò làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình, giáo dục con cái, vì vậy nâng cao nhận thức của phụ nữ để phụ nữ có ý thức chủ động cảnh giác với tội phạm và vận động người thân không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội được xem là cốt lõi trong các giải pháp phòng, ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội ngay từ gia đình, điều này cũng phát huy vai trò của phụ nữ, của Hội LHPN trong đảm bảo an ninh, trật tự và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong tình hình mới.
Phương Thắm, Ban GĐXHKT |