Từ ngày 07/4 - 24/4/2025, Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp và chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2025 tại 10 huyện, thành phố Long Khánh, có gần 780 cán bộ Hội, hội viên phụ nữ và doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ tại các huyện, thành phố Long Khánh tham gia chương trình tập huấn.
Quan cảnh tập huấn tại huyện Vĩnh Cửu
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường - Viện trưởng Viện đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai, báo cáo viên của lớp tập huấn đã tập trung triển khai các nội dung: Những điểm mới trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; Định hướng phát triển Chương trình OCOP đến 2030; Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP; Những lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP; Sự phát triển của sản phẩm sau khi được công nhận đạt OCOP.
Quan cảnh tập huấn tại huyện Xuân Lộc
Thực hiện Chương trình OCOP và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, hàng năm, Hội LHPN tỉnh duy trì tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp và chủ thể tham gia Chương trình OCOP nhằm cung cấp các kiến thức mới cho chị em.
Trưng bày sản phẩm OCOP do phụ nữ sản xuất
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến tháng 01/2025 toàn tỉnh có 282 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 165 chủ thể (Công ty 49 chủ thể; Cơ sở 76 chủ thể; Hợp tác xã 29 chủ thể; Tổ hợp tác 11 chủ thể), trong đó có 228 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 54 sản phẩm đạt 4 sao. Nhiều nhất là sản phẩm nhóm thực phẩm với 256 sản phẩm (205 sản phẩm OCOP 3 sao; 51 sản phẩm OCOP 4 sao), chiếm 91% sản phẩm được chứng nhận OCOP trên toàn địa bàn tỉnh. Chủ thể OCOP là phụ nữ và sản phẩm do phụ nữ sản xuất đạt chứng nhận OCOP luôn chiếm trên 30%. Điều này cho thấy Chương trình OCOP đã thu hút sự tham gia tích cực của phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn khởi nghiệp với sản phẩm OCOP, phát huy tài nguyên thiên nhiên bản địa, tham gia bảo tồn và phát triển văn hóa, làng nghề và dịch vụ khu vực nông thôn.