Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung (UTCTC) là ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ và phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân ung thư cổ tử cung là do âm đạo và cổ tử cung bị nhiễm trùng dai dẳng bởi virus thuộc họ virus gây u nhú ở người (HPV). Hiện nay chưa có thuốc điều trị nhiễm HPV đặc hiệu nên thường dẫn đến nhiễm HPV dai dẳng hoặc tái diễn và đó chính là nguy cơ tiến triển thành UTCTC. UTCTC để lại hệ lụy nặng nề cho sức khỏe, tâm sinh lý và hạnh phúc của người phụ nữ, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của người phụ nữ và là nguyên nhân gây tử vong sau ung thư vú, với chi phí điều trị rất tốn kém nhưng bệnh hoàn toàn có thể dự phòng hoặc loại trừ dựa vào tiêm vắc-xin HPV, sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện, điều trị sớm các dấu hiệu tiền ung thư.
Hình: Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại buổi làm việc ngày 21/8/2024 giữa Bộ Y tế và Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam về đề xuất chính sách đưa chi phí khám sáng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được BHYT chi trả
Hàng năm trên thế giới có khoảng 604.000 ca mắc mới và 342.000 phụ nữ chết vì căn bệnh này. UTCTC là bệnh ung thư được chẩn đoán là phổ biến nhất ở 23 quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở 36 quốc gia. Theo thống kê năm 2020, tại Việt Nam UTCTC là ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ và phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, sau ung thư vú. Nếu không có bất kỳ can thiệp nào, ước tính khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam sẽ tử vong do ung thư cổ tử cung vào năm 2070.
Thời gian hình thành bệnh UTCTC từ khi bị nhiễm vi rút HPV dài (qua nhiều năm, bệnh phần lớn được thấy ở độ tuổi 40-70), tuy nhiên đang có xu hướng trẻ hóa (có thể thấy ở tuổi 20). So với các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ khác thì UTCTC là bệnh có thể phòng ngừa, khả năng khỏi bệnh cao, nếu được chấn đoán, phát hiện sớm, nếu bệnh tiến triển giai đoạn muộn điều trị khó khăn, tiên lượng xấu, bệnh có thể nhăn ngừa được nhờ sàng lọc sớm vì: 1) Ung thư cổ tử cung có thời gian diễn biến dài, khoảng 10-20 năm. Trong thời gian đó có thể thực hiện các biện pháp can thiệp được; 2) Cổ tử cung có thể tiếp cận và khám sàng lọc được; 3) Yếu tố nguyên nhân và nguy cơ đã được xác định là nhiễm HPV, do đó có thể định hướng loại trừ qua sàng lọc được.
Hiện nay, ở Việt Nam tỷ lệ tiếp cận các biện pháp khám sàng lọc UTCTC ở phụ nữ còn rất thấp, chỉ đạt mức 28% năm 2023. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát UTCTC thấp là do vắc-xin HPV có chi phí cao, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng; khám sàng lọc UTCTC chưa được BHYT chi trả. Do đó, việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh UTCTC là cần thiết, phù hợp với nguyên tắc của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm đáp ứng nguyên lý phòng bệnh hơn chữa bệnh, giảm gánh nặng lên nền kinh tế cho phụ nữ và chính gia đình của họ, cũng như giảm chi phí xã hội từ điều trị UTCTC. Điều này cũng phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, việc xóa bỏ UTCTC sẽ góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 1 về nghèo đói đa chiều, Mục tiêu 3 về cuộc sống khỏe mạnh, Mục tiêu 5 về bình đẳng giới và Mục tiêu 10 về giảm bất bình đẳng. Tuyên bố Bắc Kinh (1995) về tăng cường quyền năng cho phụ nữ mà Việt Nam tham gia cũng đề ra mục tiêu thúc đẩy chăm sóc y tế cơ bản cho trẻ em gái và phụ nữ, tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.
Chiến lược toàn cầu nhằm loại trừ UTCTC do Tổ chức Y tế thế giới công bố năm 2020 đã đưa ra mục tiêu 90-70-90 mà các quốc gia cần đạt được đến năm 2030 để có thể loại trừ được UTCTC (90% trẻ em gái được tiêm chủng vắc-xin HPV đầy đủ trước tuổi 15; 70% phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc có độ chính xác cao ở độ tuổi 35 và 45; 90% phụ nữ được xác định có tổn thương tiền ung thư và ung thư xâm lấn được chăm sóc và điều trị).
Nhận thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của việc khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra nhiệm vụ “Nghiên cứu, vận động, để xuất chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho chi phí tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ” và hiện nay Hội tập trung đề xuất chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Thời gian vừa qua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm rà soát, thu thập thông tin và lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia cho đề xuất chính sách, trong đó có 02 hội thảo đề xuất chính sách ở cấp trung ương và địa phương. Các cơ sở pháp lý, kinh nghiệm quốc tế và bằng chứng thiết thực từ thực tiễn thực thi và thụ hưởng chính sách đều cho thấy việc đề xuất chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chỉ trả là sự đầu tư cần thiết và hiệu quả, xét cả từ góc độ kinh tế và xã hội.
Để tiếp tục vận động, đề xuất chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế hoặc dự thảo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đăng tải các tin, bài về sự cần thiết và tính khả thi của chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục BHYT chi trả, clip UNG THƯ CỔ TỬ CUNG - SÀNG LỌC SỚM ĐỂ SỐNG TRỌN VẸN… trên các kênh truyền thông của Hội; phổ biến tài liệu chuyên đề và clip tuyên truyền tới các cơ quan, cá nhân có tầm ảnh hưởng vào các đợt cao điểm: dịp 20/10/2024; dịp 08/03/2025 và những năm tiếp theo; tham gia ý kiến đề xuất chính sách tại các cuộc làm việc với cấp uỷ, chính quyền và đoàn Đại biểu Quốc hội của địa phương; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tiêu biểu có ý kiến đề xuất chính sách tại các kỳ tiếp xúc cử tri tại địa phương năm 2024 và năm 2025.
Chính sách được ban hành không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, đẩy lùi những bệnh mãn tính có thể dự phòng mà còn tạo điều kiện để phụ nữ tham gia đầy đủ vào hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhất là sức khỏe sinh sản nhằm nâng cao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần vào những nỗ lực chung của quốc gia trong việc sớm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững./.