Trong những ngày tháng Tư lịch sử của năm 2025, cùng với cả nước hướng về cột mốc quan trọng, chào đón kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Khối thi đua 10 gồm các đơn vị: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu Chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh (Tỉnh Đoàn) đã cùng tổ chức hoạt động về nguồn tại Chiến khu Đ oai hùng, tọa lạc tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai - Trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời và phát triển của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, với những chiến công hiển hách Chiến khu Đ góp phần vào thắng lợi chung của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái (áo thun hồng, giữa) cùng các đ/c lãnh đạo đại diện các đơn vị thành viên Khối thi đua 10 tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu
Tham dự hoạt động về nguồn Khối thi đua số 10 năm 2025 có khoảng trên 30 đồng chí, gồm có các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trong Khối và cán bộ các phòng, ban chuyên môn, cán bộ phụ trách công tác thi đua khen thưởng của các đơn vị thành viên. Trước khi đến với vùng đất căn cứ địa Chiến khu D, đoàn công tác đã ghé thăm Ủy ban nhân dân xã Mã Đà, thăm và tặng quà cho 06 gia đình chính sách, người có công với cách mạng của xã Mã Đà, mỗi phần quà trị trị giá 5 triệu đồng. Tổng giá trị quà tặng là 30 triệu đồng từ nguồn kinh phí do cán bộ, công chức trong khối tham gia đóng góp.

Các thành viên trong Khối thi đua 10 dâng hương, dâng hoa tại tượng đài Chiến khu Đ
Phát biểu tại các gia đình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đoàn Minh Trí đã đại diện Khối trưởng bày tỏ lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với các cô chú đã có những đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng chí cũng gửi lời chúc mừng sức khỏe, bình an, hạnh phúc đến các gia đình. Đồng thời bày tỏ quyết tâm của các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh sẽ luôn làm tốt vai trò, sứ mệnh đoàn kết các lực lượng xã hội nhằm phát huy sức mạnh toàn dân trong tham gia xây dựng đất nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Sau khi thăm các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các thành viên Khối thi đua 10 đã đến và dâng hoa, dâng hương tại tượng đài Chiến khu Đ, thắp nhang các phần mộ Liệt sĩ trong Nghĩa trang Mã Đà và tham quan các di tích lịch sử tại Chiến khu Đ.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh thắp nhang tưởng nhớ tại các phần mộ Liệt sĩ trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Mã Đà
Danh từ “Chiến Khu Đ” chỉ vùng căn ra đời vào cuối tháng 2/1946. Khi thực dân Pháp chiếm đóng được quận lỵ Tân Uyên, thành lập chi khu. Tổng hành dinh Khu 7 và lực lượng vũ trang Biên Hòa, Thủ Dầu Một rút sâu vào rừng. Công tác xây dựng căn cứ được đặt ra một cách cấp thiết tại Hội nghị bất thường của khu bộ khu 7 ở Lạc An. Được hội nghị chấp thuận, việc xây dựng căn cứ được triển khai có hệ thống, các cơ quan, đơn vị, công xưởng… phân chia đóng từng khu vực. Mỗi khu vực đều có nhiều phương án di chuyển địa điểm tránh sự đột kích của quân Pháp và mang mật danh A, B, C, D (A là căn cứ giao thông liên lạc đóng ở Giáp Lạc, B là căn cứ hậu cần đóng ở Thường Lang, C là khu bộ đội thường trực đóng ở Ông Đội, D là khu Tổng hành dinh khu 7 đóng ở hố Ngãi Hoang). Từ đấy, chiến khu Đ trở thành căn cứ địa của chiến khu 7 – một tổ chức hành chính – quân sự của các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa và thành phố Sài Gòn, do Trung tướng Nguyễn Bình được chỉ định làm Khu trưởng và Trần Xuân Độ làm chính trị ủy viên khu. Ban đầu, Đ là mật danh chỉ tổng hành dinh của khu 7 nằm trong hệ thống các vị trí căn cứ của khu. Dần dần về sau, mật danh Đ được dùng để chỉ luôn cả vùng chiến khu rộng lớn ngày càng phát triển ở miền Đông Nam Bộ. Nằm trong hệ thống rừng núi phía bắc miền Đông Nam Bộ, địa hình hiểm trở, Chiến Khu Đ là một khu vực lý tưởng cho việc xây dựng căn cứ, nơi cất giấu lực lượng, cất giữ kho tàng và phát triển mọi mặt của một căn cứ địa kháng chiến. Lưng dựa vào Trường Sơn và vùng rừng núi miền nam Đông Dương, dính với một phần đoạn cuối đường Hồ Chí Minh, phía trước lấn sát vùng đồng bằng đông dân cư và các khu đô thị lớn, chiến Khu Đ còn là một vị trí án ngữ chiến lược, nối nhiều chiến trường với nhau, là một trong những địa điểm liên lạc, tiếp nối, trung chuyển quan trọng từ hậu phương miền Bắc vào miền Nam. Hơn nữa, với ưu thế tiếp cận các đường giao thông chiến lược, các đô thị lớn và trung tâm sào huyệt địch - thành phố Sài Gòn, Chiến khu Đ có ưu thế là một bàn đạp quân sự tiến công vào mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế của địch ở Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Chiến khu Đ được coi là trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời và phát triển của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ như tiểu đoàn 800, trung đoàn 762, sư đoàn 9, sư đoàn 5… Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, là nơi tập kết của lực lượng quân đoàn 1, quân đoàn 4 trước khi tiến về giải phóng Sài Gòn. Tên Chiến khu Đ gắn liền với những chiến thắng vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của quân và dân Miền Đông Nam Bộ (thắng Lạc An, Tân Uyên, chiến thắng Phước Thành, Đất Cuốc, Đồng Xoài, Phước Long…). Sự tồn tại và phát triển của nó đã góp phần vào thắng lợi chung của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Về phương diện chính trị, tinh thần, Chiến khu Đ tồn tại như một biểu tượng của cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của toàn dân, là nguồn hy vọng, là niềm tin của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn miền Đông Nam Bộ. Vũ Hương |