Bà Trương Thị Kim Thoa, sinh năm 1965, là hội viên phụ nữ khu phố 3, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc. Bà Thoa làm nghề sửa quần áo cũ trong chợ Ông Đồn, khu phố 3, thị trấn Gia Ray, bà sống một mình không có gia đình. Cách đây hơn 10 năm khi bà thuê nhà để sửa đồ cũ ở trong chợ bà thấy có người phụ nữ lang thang dắt theo bé gái nhỏ tên Trần Thị Hồng Nhi, không biết cụ thể ở đâu lên chợ Ông Đồn (H.Xuân Lộc) để làm thuê kiếm sống. Bà Thoa thấy hoàn cảnh tội nghiệp của 2 mẹ con nên thường hay giúp đỡ lúc thì cho tiền, lúc thì cho quà bánh, thỉnh thoảng còn trông hộ bé gái cho mẹ bé đi làm. Một thời gian quen biết thấy bà Thoa là người tốt lại yêu quý trẻ con, người phụ nữ ấy nhờ bà Thoa trông giúp con mấy hôm để đi tìm việc làm. Tuần đầu đi làm người mẹ còn liên lạc về nhờ bà Thoa coi giúp con một tuần nữa về đón, sau một tuần không thấy đón bé bà Thoa liên lạc với người mẹ và nói bé bị bệnh thì người mẹ không còn liên lạc rồi bặt vô âm tín đến nay.
Bà Thoa tần tảo nuôi dưỡng chăm sóc cô bé bà tâm sự “tôi nhận nuôi dưỡng cháu cho nó ăn học thành người, coi như là cái duyên đưa hai bà cháu lại nương tựa vào nhau để cùng chăm sóc lẫn nhau". Bao năm gắn bó nuôi dưỡng, bà Thoa luôn xem Hồng Nhi như con cháu ruột thịt mà nuôi dạy ăn học, Nhi luôn coi bà là bà ngoại của mình. Biết rõ hoàn cảnh của bản thân và không phụ sự yêu thương chăm sóc của bà ngoại nuôi bé Hồng Nhi luôn cố gắng chăm chỉ học, những năm học cấp 2, và cấp 3 luôn đạt học sinh giỏi, ngoài ra bé còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường, đoàn trường phát động, được giáo viên chủ nhiệm và các bạn trong lớp quý mến, được Ban Thường vụ Huyện đoàn phối hợp với Báo Mực tím trao học bổng “vì tương lai Việt Nam", Hồng Nhi vinh dự được lựa chọn để nhận phần học bổng này trị giá 03 triệu đồng và dùng số tiền này để đóng học phí. Thời gian rảnh rỗi, Hồng Nhi còn phụ giúp các quán trong chợ Ông Đồn vào các dịp lễ, Tết để lấy tiền phụ Bà ngoại đóng học phí.

Bà Trương Thị Kim Thoa và bé Trần Thị Hồng Nhi
Hiện nay em đang là sinh viên năm nhất khoa Ngoại Ngữ trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Khi được hỏi bà nhận nuôi bé có làm giấy tờ gì không bà Thoa nói tôi nhận nuôi bé không có làm giấy tờ gì cả, vì khi mẹ bé bỏ đi có để lại giấy khai sinh, khi bé đủ 14 tuổi làm căn cước công dân tôi theo địa chỉ trên giấy khai sinh (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) để đưa bé vào làm căn cước. Hai bà cháu luôn coi nhau là người thân duy nhất và nương tựa vào nhau sống từ đó đến nay. Tôi luôn dạy cháu phải biết tiết kiệm, và cố gắng học hành, bà già rồi không đủ sức làm nuôi cháu học lâu, cháu cũng rất hiểu chuyện nên bảo là lên trường đi học sẽ đi làm thêm để trang trải học hành để bà không vất vả. Việc chọn chăm sóc cháu Nhi để gắn bó cả cuộc đời mình chính là phần thưởng quý giá nhất đối với bà. Đây cũng chính là động lực để bà vượt qua và không ngừng phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống. Và hạnh phúc lớn nhất của bà chính là “được cháu gọi mình bằng bà ngoại", mang đến cho Hồng Nhi tình yêu thương, chăm sóc và chứng kiến Nhi trưởng thành.