Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
XÂY DỰNG NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM THỜI ĐẠI MỚI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Kế thừa từ phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, phong trào thi đua “xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” được Trung ương Hội phát động đã bám sát tiêu chí của con người Việt Nam được xác định trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, hướng đến mục tiêu phát triển con người toàn diện, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam. Là định hướng mang tính chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 để xác lập và nâng cao các giá trị người phụ nữ trong quá trình Hội nhập hiện nay.

phunu1-1.jpg
ThS Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo Khoa học về xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới tại Thủ đô Hà Nội năm 2022

* XÁC LẬP CÁC TIÊU CHÍ CHO “HÌNH MẪU” NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM “THỜI ĐẠI MỚI”

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 quyết định phát động Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên cơ sở kế thừa và phát huy kết quả từ việc triển khai phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã triển khai qua 4 nhiệm kỳ và cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” thực hiện qua 2 nhiệm kỳ trước đó, đây cũng là sự vận dụng, tổ chức thực hiện sáng tạo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc XIII: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”.

Cụ thể hóa từ sau các Hội thảo khoa học các cấp tiến tới ban hành và các văn bản, hướng dẫn, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã thống nhất đề ra 04 tiêu chí trong xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới đó là: “có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”, hướng đến mục tiêu phát triển con người toàn diện, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện của Đảng: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”; “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới tiếp tục xác định nhiệm vụ quan trọng mang tầm chiến lược “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”. 

phunu1-2.jpg
Đồng hành hỗ trợ phụ nữ trong nâng cao kiến thức và phát triển kỹ năng

* KẾT TINH TỪ NỀN MÓNG VỮNG CHẮC

Phát triển và thay thế phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, việc thực hiện phong trào thi đua “xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” có nền móng vững chắc để thực hiện trong nhiệm kỳ 2022 – 2027 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Cùng với việc triển khai thực hiện 02 Đề án quan trọng của Hội gồm Đề án 938 về tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ (Đề án 938) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trên phạm vi cả nước, phong trào đã có trên 41 triệu lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến phụ nữ. Ở Đồng Nai, các hoạt động  tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục tiền hôn nhân, chăm sóc, nuôi dạy trẻ em, thực hiện chính sách dân số, ... ngày càng đi vào thực chất. Tính đến cuối nhiệm kỳ IX, toàn tỉnh có trên 943 tổ hòa giải với trên 5,7 ngàn hòa giải viên; 569 Địa chỉ tin cậy cộng đồng; 22 CLB Phòng, chống bạo lực gia đình; 26 CLB Gia đình hạnh phúc bền vững - 851 TV; 2.067 Tổ, CLB Gia đình 5 không, 3 sạch; 61 mô hình dịch vụ gia đình ...tham gia hòa giải kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, khu dân cư, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, tích cực tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, hỗ trợ chăm sóc giáo dục con trẻ và xây dựng một môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Đạt được những kết quả trên, việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam “Có tri thức” trở nên thuận lợi hơn vì chính là kết quả của “tích cực học tập” và là động lực cho “lao động sáng tạo” thời kỳ 4.0 hiện nay.

Theo suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vai trò “dệt thêu gấm vóc” của người phụ nữ Việt Nam trong mỗi dáng núi, tên sông đã được khắc họa cụ thể bằng những tấm gương phụ nữ “anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang”. Trong thời kỳ mới, phụ nữ Việt Nam không chỉ kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống sẵn có mà còn xây dựng thêm những giá trị mới về chuẩn mực đạo đức trong xã hội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng không tách rời với các trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc. Tại Đồng Nai, việc đồng hành để hình thành, phát triển và tôn vinh các giá trị tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam được thực hiện thường xuyên và thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống luôn được các cấp Hội quan tâm tổ chức triển khai với nhiều hình thức cụ thể, tạo được hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, Cuộc thi “Tự hào Áo dài Việt Nam” được tổ chức năm 2020 đã thu hút 1.715 thí sinh tham gia, qua đó đề cao giá trị của tà Áo dài trong việc phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cũng như khẳng định chủ quyền Áo dài Việt Nam, tiến tới đề nghị Unesco công nhận là di sản văn hoá thế giới theo Cuộc vận động “Tự hào Áo dài” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Toàn tỉnh có  2.442 điển hình là cá nhân phụ nữ tiêu biểu có mô hình hay, hiệu quả được các cơ sở Hội phát hiện, biểu dương, nhân rộng. Trong đó có 302 gương học tập, làm theo Bác, 370 gương, làm kinh tế giỏi, 457 gương thực hiện tốt CVĐ xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”/xây dựng nông thôn mới, 1.271 gương tập thể/cá nhân làm tốt công tác nhân đạo từ thiện tại địa phương, 34 gương phụ nữ tôn giáo, 8 dân tộc, .. . Từ đây, những gương phụ nữ tiêu biểu, những con người thật, việc thật này tiếp tục là động lực và nền tảng vững chắc để tổ chức Hội các cấp tiếp tục phát huy, xây dựng các giá trị về “đạo đức” và “trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước” của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. 

Điểm mới trong phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới đó là tiêu chí về “sức khỏe”. Điều này đơn thuần là sự thể hiện quan điểm “lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu cho mọi hoạt động”, là yêu cầu để các cấp Hội tiếp tục chăm lo, đồng hành, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, là việc đáp ứng nhu cầu chinh đáng của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ tại các vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo và các địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh, của đất nước.

phunu1-4.jpg
Đồng hành trong phát triển thể chất, sức khỏe cho cán bộ, hội viên phụ nữ

* NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC

Phong trào thi đua “xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” được triển khai nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ vượt qua các rào cản, thách thức mà thời đại 4.0 đã và đang đặt ra, là quá trình để hội viên phụ nữ “tự nhìn nhận”, “tự bổ sung”, “tự rèn luyện” và “tự hoàn thiện” để hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế hiện nay. Do đó, để thực hiện được phong trào, trước tiên cần gắn chặt với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng liên quan đến xây dựng tổ chức và công tác cán bộ thời kỳ mới. Đồng thời tiếp tục vận động phụ nữ phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại; chủ động học tập, nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt.

phunu1-5.jpg
Đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo, tự khẳng định bản thân và mạnh dạn tham gia vào các vấn đề xã hội

Để thực hiện phong trào, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ X cũng đã đề ra yêu cầu thực hiện 03 nhiệm vụ trọng tâm (gồm: Hỗ trợ phụ nữ phát triển, hội nhập và vun đắp giá trị của gia đình Việt Nam;  Tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả) và 05 nhóm giải pháp chính (Gồm: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; Đổi mới công tác chỉ đạo điều hành; Nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội; Đổi mới công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng văn hóa tổ chức; triệt để phân cấp, phân quyền, thống nhất và đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; Tăng cường hoạt động liên kết, phối hợp, vận động nguồn lực). Tiếp tục thực hiện tốt 02 Đề án được Chính phủ phê duyệt gồm: Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” và Kết luận 250-KL/TW ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý và phát huy vai trò của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế; kết nối, tư vấn, hỗ trợ giải quyết khó khăn và phát huy vai trò của một số nhóm phụ nữ đặc thù. Tổ chức thực hiện tốt chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình MTQG “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030”.

 

VŨ HƯƠNG


Các tin khác

Đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị
Đại diện Công an tỉnh phát biểu tại Hội Nghị
Đồng chí Lê Thị Thái, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phát biểu tại Hội Nghị
Xem thêm

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH ĐỒNG NAI

Chịu trách nhiệm chính: Bà Lê Thị Thái - Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh
Điện thoại: 02513.846.497 - Email: bbthoipndn@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.